Bảo hiểm phi nhân thọ và các sản phẩm cá nhân đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid19. Doanh thu của một số công ty bảo hiểm đến từ hai nguồn chính: thu phí bảo hiểm, bao gồm cả hoa hồng tái bảo hiểm và Đầu tư tài chính chủ yếu vào tiền gửi và trái phiếu chính phủ. Các cổ phiếu bảo hiểm chủ chốt có nhịp tăng mạnh ngay từ đầu phiên và tiếp tục có đà tăng cho đến khi đóng cửa giao dịch, trái ngược với diễn biến chung của thị trường.
Nhóm bảo hiểm là cái tên đáng chú ý nhất trong phiên hôm nay. Các mã chủ chốt trong nhóm này tăng nhanh ngay từ đầu phiên và nới rộng sắc xanh dần theo thời gian, đi ngược lại xu hướng chung. Cụ thể, BVH, IMC cùng chốt phiên tại mức giá trần, PVI tăng hơn 7%, PTI tăng hơn 5%, PGI, BIC tăng hơn 2% so với tham chiếu, sự chú ý của thị trường đối với nhóm bảo hiểm có thể liên quan đến việc thoái vốn và mức giá hấp dẫn.
Cố phiếu bảo hiểm phân hoá rõ rệt
Cụ thể, cổ phiếu MIG của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội đã tăng trưởng suốt từ giữa tháng 7 tới nay. Hiện đang giao dịch xung quanh vùng giá 23.700 đồng/cổ phiếu, tăng 42%. PVI của Bảo hiểm PVI cũng tăng 28%, PGI tăng 25%. Cổ phiếu BMI của Tổng công ty CP Bảo Minh đã tăng suốt trong giai đoạn tháng 6. Từ cuối tháng 7 đến nay đang lừng khừng ở vùng giá 34.000 đồng/cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, BVH của Tập đoàn Bảo Việt thậm chí còn giảm mạnh kể từ đầu năm, với mức giảm 18,5%, hiện đang giao dịch xung quanh vùng giá 56.800 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, mức hồi phục này đã khá tốt so với hồi tháng 7 có lúc rơi về đáy 47.000 đồng/cổ phiếu.
Các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đã đối diện nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2021. Báo cáo cập nhật triển vọng ngành bảo hiểm 6 tháng cuối năm 2021 vừa công bố, Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, sản phẩm cá nhân đã chịu ảnh hưởng lớn do đại dịch. Hai nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của ngành là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới (tổng tỉ trọng doanh thu là 57,9%) đều ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm, lần lượt tăng 6,2% và 1,6% so với cùng kỳ.
VN-Index giảm điểm
Trong sáng nay, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận; cho ý kiến sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, sau 20 năm áp dụng. Thị trường khởi đầu tuần này trong trạng thái tích cực, như kỳ vọng của giới phân tích. Sự chủ động của bên mua giúp VN-Index bật lên sau ATO với sắc xanh lan rộng. Đặc biệt là nhóm vốn hóa trung bình (mid-cap). Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn tiếp tục phân hóa với áp lực bán có phần ưu thế hơn. Bởi vậy, VN-Index và VN30-Index giữ trạng thái trái ngược từ đầu giờ.
Cuối phiên sáng, chỉ số của sàn HoSE bật lên gần ngưỡng 1.395 điểm. Tuy nhiên, cũng như tuần trước, đà tăng chững lại trong phiên chiều. Lực cung trong nhóm bluechip, cùng với biên độ tăng của mid-cap thu hẹp khiến chỉ số lao dốc. Lùi về dưới tham chiếu khi đóng cửa. Chốt phiên, VN-Index giảm gần 4 điểm (0,28%) xuống 1.385,4 điểm. VN30-Index giảm gần 12 điểm (0,79%) còn 1.476,97 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index có phần tích cực hơn khi đều tăng điểm.
Nhóm bất động sản cũng giữ trạng thái tích cực
Áp lực bán mạnh vào cuối phiên khiến thị trường đóng cửa trong trạng thái ưu thế thuộc về sắc đỏ. Sàn HoSE ghi nhận 240 mã giảm, trong khi số mã tăng là 200. Trong nhóm VN30, số mã tăng – giảm giữ tỷ lệ 13:16. Ngoài bảo hiểm, nhóm bất động sản hôm nay cũng giữ trạng thái tích cực. KDH, VIC, VHM cùng giữ sắc xanh vào cuối phiên.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng và thép chịu áp lực bán ra. Một loạt các mã ngân hàng chủ chốt nằm trong nhóm giảm mạnh nhất VN30. TPB chốt phiên mất 2,8%, TCB giảm 2,7%, STB thấp hơn 2%, MBB, ACB, VPB, VCB, BID lùi về dưới tham chiếu. Các mã chủ chốt nhóm thép như HPG, HSG, NKG cũng chịu áp lực. Thanh khoản thị trường lên cao nhất trong hơn một tháng, ghi nhận hơn 27.000 tỷ đồng trên HoSE. Khối ngoại bán ròng đột biến hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào VJC, VHM, HPG, NLG.